Về bản dịch:
Các thông tin trong hướng dẫn được biên dịch hoàn toàn bởi Saigon Children’s Charity với sự cho phép của National Autistic Society (Hiệp hội Tự kỷ Quốc gia – NAS). NAS không tham gia vào quá trình dịch thuật.
Bản dịch được hoàn thành vào ngày 01/11/2022 với mục đích phi lợi nhuận và có thể được truy cập miễn phí.
Vì hướng dẫn được viết cho bối cảnh Vương quốc Anh nên một số thông tin có thể không phù hợp đối với Việt Nam.

Chắc hẵn chúng ta ai cũng đã nghe thấy cụm từ “ Bệnh tự kỷ” hay “ Rối loạn phổ tự kỷ”. Vậy RLPTK là gì? Người RLPTK sẽ chịu những ảnh hưởng gì và gặp những khó khăn gì trong cuộc sống hàng ngày? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho chúng ta những thắc mắc trên.
Tự kỷ là một khuyết tật phát triển suốt đời ảnh hưởng đến cách một người nhận thức về thế giới và tương tác với những người khác.
Người tự kỷ nhìn, nghe và cảm nhận thế giới khác với những người khác. Nếu bạn tự kỷ, bạn sẽ tự kỷ suốt đời; tự kỷ không phải là một căn bệnh hay bệnh tật và không thể “chữa khỏi”. Thông thường, người tự kỷ cảm thấy tự kỷ là một khía cạnh cơ bản trong bản sắc của họ.
Tự kỷ là một rối loạn phổ. Tất cả những người tự kỷ đều có chung những khó khăn nhất định, nhưng tự kỷ sẽ ảnh hưởng đến họ theo những cách khác nhau. Một số người tự kỷ cũng có khuyết tật về học tập, các vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc các tình trạng khác, có nghĩa là mọi người cần các mức hỗ trợ khác nhau. Tất cả những người trên phổ tự kỷ đều học hỏi và phát triển. Với sự hỗ trợ phù hợp, tất cả đều có thể được giúp đỡ để sống một cuộc sống trọn vẹn hơn do chính họ lựa chọn.
Các đặc điểm của tự kỷ khác nhau ở mỗi người, nhưng có một số điểm khác biệt chính (thông tin sau đây được lấy từ trang web của Hiệp hội Tự kỷ Quốc gia NAS www.autism.org.uk).
Giao tiếp xã hội
Người tự kỷ có sự khác biệt về ngôn ngữ lời nói và không lời (www.autism.org.uk/communicating). Nhiều người chỉ hiểu ngôn ngữ theo nghĩa đen, và một số người tự kỷ có thể gặp khó khăn với những khái niệm trừu tượng. Một số người tự kỷ có các kỹ năng ngôn ngữ tốt, nhưng họ vẫn có thể gặp khó khan trong việc hiểu được mong đợi của người khác trong các cuộc trò chuyện – đây có thể là lặp lại những gì người kia vừa nói (điều này được gọi là nhại lời) hoặc nói dài dòng về sở thích của họ. Một số người tự kỷ thích sử dụng các phương tiện giao tiếp thay thế, chẳng hạn như ngôn ngữ ký hiệu hoặc biểu tượng hình ảnh, hoặc cảm thấy chúng hữu dụng. Một số người có thể giao tiếp rất hiệu quả mà không cần lời nói.
Tương tác xã hội
Người tự kỷ có thể gặp khó khăn khi “đọc vị” người khác – nhận biết hoặc hiểu cảm xúc và ý định của người khác – và thể hiện cảm xúc của chính họ (www.autism.org.uk/socskills-children). Điều này có thể khiến họ rất khó định hướng thế giới xã hội. Họ có thể cảm thấy khó khăn trong việc hiểu và diễn giải suy nghĩ và cảm xúc của người khác, dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, hiểu khái niệm về nguy hiểm hoặc chuẩn bị và đối phó với sự thay đổi. Một số người tự kỷ có thể khó kết bạn với người khác; họ có thể có mong muốn tương tác với những người khác, nhưng không chắc chắn về cách thực hiện điều này.
Hành vi và thói quen lặp đi lặp lại
Thế giới dường như là một nơi rất khó dự đoán và khó hiểu đối với một số người tự kỷ. Họ có thể muốn thiết lập những nếp sinh hoạt cố định (www.autism.org.uk/routines), để họ biết điều gì sẽ xảy ra hàng ngày. Ví dụ, luôn muốn đi cùng một con đường đi đến trường học và đi về từ trường hoặc ăn cùng một loại thức ăn cho bữa sáng mỗi ngày. Việc sử dụng các quy tắc cũng có thể quan trọng. Người tự kỷ có thể khó tiếp cận một việc nào đó theo một cách khác nếu họ đã được dạy cách làm “đúng”. Những người thuộc nhóm tự kỷ có thể không thoải mái với sự thay đổi, nhưng có thể đối phó tốt hơn nếu họ có thể chuẩn bị trước cho những thay đổi.
Sở thích tập trung cao độ
Nhiều người tự kỷ có sở thích mãnh liệt và cực kỷ cụ thể (www.autism.org.uk/routines), thường từ khi còn khá trẻ. Những thứ này có thể thay đổi theo thời gian hoặc suốt đời và có thể là bất cứ thứ gì từ nghệ thuật hoặc âm nhạc, tàu hỏa hoặc máy tính. Đôi khi, họ có thể có sự quan tâm bất thường. Ví dụ, thích thu thập rác chẳng hạn.
Với sự khuyến khích, họ có thể phát triển mối quan tâm đó đến việc tái chế và môi trường. Nhiều người chuyển sở thích của họ thành học tập, công việc được trả lương, hoạt động tình nguyện hoặc các công việc có ý nghĩa khác. Những người tự kỷ thường cho biết rằng việc theo đuổi những sở thích như vậy là thiết yếu đối với sức khỏe và hạnh phúc của họ.
Nhạy cảm giác quan
Người tự kỷ cũng có thể quá hoặc không đủ nhạy cảm với âm thanh, xúc giác, vị, mùi, ánh sáng, màu sắc, nhiệt độ hoặc cảm giác đau (www.autism.org.uk/sensory). Ví dụ: họ có thể nhận thấy rằng một số âm thanh nền nhất định, mà người khác có thể bỏ qua hoặc lờ đi, ồn ào hoặc gây mất tập trung đến mức không thể chịu nổi. Điều này có thể gây ra lo âu hoặc thậm chí đau đớn về thể chất. Hoặc họ có thể rất thích ánh sáng hoặc vật thể quay.